Báo Pháp đưa tin về công tác chống dịch của Việt Nam

Hai tờ báo lớn của Pháp gồm Le Monde và Le Figaro đã đăng các bài viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Báo Pháp nhận định rằng, số người nhiễm và số ca tử vong là kết quả của chính sách chống dịch chủ động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và tinh thần trách nhiệm của người dân.

Việt Nam thành công vì có chiến lược đúng đắn, tinh thần tập thể

Trong bài viết “Cuộc tấn công mùa Xuân chống dịch Covid-19 thành công của Việt Nam” đăng trên tờ Le Monde, nhà báo Bruno Philip theo dõi khu vực Đông – Nam Á, mở đầu với nhận định, Việt Nam đã có thể ngăn chặn được dịch bệnh nhờ có các biện pháp phát hiện, giám sát, cách ly tất cả những trường hợp mắc Covid-19.

Theo nhà báo Bruno Philip, có một “ngoại lệ Việt Nam” và đã được một số nhà quan sát cũng như truyền thông ở châu Á tự hỏi như vậy. Sự thật là tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở nước này rất thấp, thật đáng ngạc nhiên.Thực tế Việt Nam đã sớm lường trước hậu quả chết người của dịch bệnh và đã tiến hành các biện pháp quyết liệt ngay những ngày đầu và sau đó không mở cửa lại trường học sau các ngày nghỉ lễ, tết. Tới đầu tháng 4, Việt Nam mới thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng các biện pháp kiểm dịch trên quy mô lớn được triển khai ngay từ giữa tháng 2 ở một số thành phố bị ảnh hưởng.

Nhà báo Bruno Philip cho rằng, “trường hợp ngoại lệ Việt Nam” không có gì bí ẩn. Đó là kết quả của một chính sách hiệu quả trong việc xác định và giám sát triệt để những người và nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Với những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch bệnh, tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định rằng, virus corona chủng mới đã “trong tầm kiểm soát.”

Phân tích cách chống dịch của Việt Nam, tác giả cho biết, đó là sự huy động của cả hệ thống để phát hiện kịp thời những ca mắc bệnh, cùng lúc truy tìm tất cả những người đã tiếp xúc để kịp thời cách ly và tránh lây lan rộng ra cộng đồng. Biện pháp này được áp dụng đối với cả những ca nhiễm ở trong nước và những trường hợp nhập cảnh. Việc giám sát những người bị cách ly cũng rất nghiêm ngặt cùng với quy định phạt nặng những người vi phạm để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Để có nhận xét khách quan, tác giả cũng trích ý kiến của ông Jean-Noël Poirier, cựu Đại sứ Pháp tại Hà Nội, trong bài viết đăng trên trang https://www.causeur.fr (https://www.causeur.fr/vietnam-coronavirus-confucius-jean…) nói về cách Việt Nam kiểm soát hiệu quả cuộc khủng hoảng virus corona. Theo đó, cựu Đại sứ Jean-Noël Poirier, người vừa được điều trị khỏi bệnh ở Việt Nam, nói rằng, không có gì gọi là phép màu nhưng Việt Nam đã làm rất tốt và quyết liệt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Chiến lược của Việt Nam là việc bảo vệ lợi ích của tập thể được đặt lên trên các quyền cá nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, như vậy là để bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng và mọi cá nhân phải vì nỗ lực chống dịch của cả nước.

Lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra chiến lược đúng đắn, còn người dân tuân thủ triệt để. Việt Nam cũng công bố rất minh bạch các số liệu và được các chuyên gia và cộng đồng thế giới ghi nhận.

Các bệnh viện không bị quá tải, sự lây lan đã được kiểm soát. Không chỉ khống chế dịch thành công, Việt Nam đã nỗ lực chia sẻ khó khăn các nước láng giềng và cả các nước châu Âu, tặng nửa triệu khẩu trang cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Tác giả bài báo kết luận rằng Việt Nam không chỉ được ghi nhận về công tác chống dịch mà còn cả nỗ lực hỗ trợ các nước khác trong lúc khó khăn, khan hiếm về đồ phòng, chống dịch.

Cách ly quy mô lớn giúp Việt Nam ngăn chặn được sự lây lan

Với tiêu đề “Coronavirus: Làm thể nào Việt Nam hạn chế sự lây lan của virus,” báo Le Figaro giới thiệu về cách khống chế dịch bệnh của Việt Nam, dù không có phương tiện tài chính mạnh như nhiều nước nhưng đã ngăn chặn hiệu quả sự lây lan.

Vậy làm thế nào mà một nước đang phát triển, có biên giới giáp với Trung Quốc, đã xoay sở để hạn chế sự lây lan của virus?

Để đi vào phân tích cách chống dịch của Việt Nam, bài báo trích dẫn ý kiến của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Kidong Park, nói với tờ Chủ nhật (Le Journal du Dimanche) rằng: “Ngay từ khi có những trường hợp bị nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã rất cảnh giác với mối đe dọa này”. Trên thực tế, ngay từ giữa tháng 1-2020, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh với sự tham gia của các bộ liên quan, các bác sĩ và nhà khoa học. Tới cuộc họp vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Chống dịch như chống giặc.

Không có điều kiện để tiến hành ngay việc xét nghiệm hàng loạt như ở Hàn Quốc hay Singpore, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly toàn bộ những người nhiễm bệnh và tìm kiếm tất cả những người đã tiếp xúc. Tất cả những người trở về từ các nơi có dịch đều phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc trong 14 ngày và không có trường hợp ngoại lệ. Rồi tới ngày 13-2, Việt Nam đã quyết định phong tỏa cả một khu dân cư lớn với hơn 10 nghìn người tại xã Lôi Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ở phía bắc Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam vẫn cho đóng cửa trường học. Việc đeo khẩu trang cũng là bắt buộc đối với tất cả người dân. Bài báo dẫn ý kiến của ông Kidong Park nói rằng, phản ứng chống dịch của Việt Nam đã được các quan chức y tế hoanh nghênh. Đại diện của WHO cũng ca ngợi Việt Nam vì “sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch.”

Tác giả bài báo nhận định rằng, Việt Nam đã có thành công trong việc khống chế bệnh dịch. Đó là kết quả từ biện pháp chống dịch chủ động, quyết liệt và đồng bộ do Chính phủ đề ra. Còn người dân tuân thủ nghiêm và đồng loạt ủng hộ các quyết định của các cấp chính quyền. Hơn nữa, người dân còn sử dụng mạng xã hội để cổ vũ các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch và góp phần làm lan truyền tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân với khẩu hiệu: Ở nhà là yêu nước.

Nguồn: nuocphapinfo

Bài viết phổ biến

Danh mục

Thẻ

Mạng xã hội