MAI TRUNG THỨ – NIỀM ĐAM MÊ VỚI BỘT MÀU VÀ MỰC IN TRÊN LỤA
Sinh năm 1906 gần Hải Phòng, Mai Trung Thứ học trường trung học Pháp ở Hà Nội. Giống như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm hay Lê Văn Đệ, ông thuộc về khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, do họa sĩ Victor Tardieu sáng lập và làm giám đốc.
Được mời tham gia Triển lãm thuộc địa năm 1931, Mai Thứ khám phá nước Pháp. Bị mê hoặc, ông định cư vào năm 1937 và ở cho đến cuối cuộc đời của ông. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự giáo dục nghệ thuật của Victor Tardieu và Joseph Inguimberty, nhưng so với các bạn đồng môn, ông lại là người giữ gìn bản sắc Việt Nam một cách sâu sắc nhất. Mai Thứ dành hết tâm huyết cho bột màu và mực in trên lụa, kỹ thuật đặc trưng của châu Á, cho phép ông phát triển một nghệ thuật giàu sự gợi nhớ về mỹ thuật truyền thống Trung Quốc và Việt Nam. Là một nghệ sĩ tự do nhưng ông vẫn luôn hướng về và quan tâm tới tương lai của đất nước.
Trong các tác phẩm của mình, Mai Trung Thứ thể hiện quan niệm về sự nữ tính thông qua cái nhìn hoài cổ về một quá khứ được lý tưởng hóa. Hình tượng người phụ nữ được thể hiện trong bức tranh này cho chúng ta thấy cái nhìn dịu dàng của họa sĩ với quan niệm thẩm mỹ truyền thống về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và về một khung cảnh thật nên thơ. Ba thiếu nữ nằm nghiêng, đắm mình trong vẻ đẹp của đóa hoa nhỏ màu trắng mà một cô gái đang cầm trên tay. Đường nét thanh tú trên khuôn mặt các cô gái như hòa làm một với sự dịu dàng của khung cảnh thiên nhiên xung quanh.
Nét vẽ sắc sảo của họa sĩ trên bột màu và mực in làm nổi bật lên sự tinh tế trong sắc thái của một bảng màu đa dạng và rực rỡ trong tranh, mà đặc biệt là sự đối xứng ấn tượng trong bố cục. Ba thiếu nữ dưới hiên nhà gỗ, cân xứng hài hòa từ tư thế cho đến trang phục. Tựa người lên những chiếc gội dựa truyền thống, họ bỏ qua những mối bận tâm, hòa mình vào tin vui mới nhận được, vào chuyển động của đóa hoa nhỏ trong tay cô gái.
Thiếu nữ ở giữa buông lỏng chiếc quạt và thiếu nữ bên phải không còn quan tâm tới bức thư trong tay. Ba thiếu nữ trao nhau những ánh nhìn đầy sức sống, niềm vui và sự thấu hiểu. Ở hậu cảnh, những đóa hoa súng dường như đang nhảy múa trên mặt nước. Khung cảnh với sắc màu sống động củng cố thêm cảm giác dịu dàng mềm mại.
Tới từ bộ sưu tập của vua Hàm Nghi tại Algerie, bức tranh vẽ một phụ nữ thanh lịch với vẻ thanh lịch không thể chối bỏ.
Hàm Nghi, vị vua An Nam từng sống lưu vong tại Algeria từ năm 1888 sau thất bại của phong trào Cần vương. Tại đây, ông khám phá ra tài năng hội họa và niềm đam mê nghệ thuật của mình. Ông cũng giao thiệp với nhiều nghệ sĩ như Georges Rochegrosse, Auguste Rodin, Paul Gauguin… Ông vẽ tranh, điêu khắc và sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật bằng bột màu và mực in. Năm 1904 tại Alger, ông kết hôn với Marcelle Laloe, con gái của Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger và có với bà ba người con.
Cựu Hoàng và vợ đã gặp ngài X khi ông xây dựng ngôi biệt thự Gia Long tại El-Biar. Cựu hoàng qua đời vào năm 1944 nhưng ngài X và gia đình vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với người vợ góa của cựu hoàng và các con của ông. Bà đã tặng cho ông bức tranh của Mai Thứ, được mua tại phòng tranh nghệ thuật Pasteur d’Alger, như một minh chứng cho tình bạn thân thiết và phần thưởng cho những lần ông giúp đỡ họ. Bà sống trong lâu đài của gia đình tại Perigord tới tận lúc qua đời vào năm 1974, trong khi con cháu của ngài X chuyển tới sống ở vùng Đông Nam nước Pháp.
Nếu như vẻ đẹp của người phụ nữ luôn truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ thì đối với Mai Trung Thứ, chủ đề này là một trong những chủ đề ông yêu thích nhất. Cùng với một bố cục đơn giản và một bảng màu trang nhã, nghệ sĩ tôn vinh sự nữ tính và ngợi ca vẻ đẹp tự nhiên của người thiếu nữ. Đường viền màu đen mỏng nhẹ góp phần tạo nên sự tinh tế của bố cục. Sự duyên dáng của người thiếu nữ cũng được thể hiện qua chuyển động trong tranh. Ấn tượng về nét đẹp tròn trịa được diễn tả qua những đường cong uyển chuyển của người mẫu và sự chuyển động của tấm vải. Tham gia vào sự hài hòa của bố cục, những cành cây mềm mại ôm lấy người thiếu nữ trong một bố cục hình tháp.
Nước da trắng ngần của thiếu nữ nổi bật trên nền vải đen của bộ trang phục và màu xanh của hậu cảnh, trong khi đó, chiếc khăn quàng của cô có màu gần như trong suốt, tương phản với mái tóc đen nhánh. Những đường nét thẳng đứng của khung tranh trái ngược với gương mặt trái xoan ngọt ngào của người thiếu nữ. Ánh nhìn đầy sức hút của cô gái trẻ , đồng thời tôn vinh vẻ đẹp nữ tính trong sự đơn giản.
Sắc độ khi sử dụng bột màu và mực in trong bảng màu của Mai Trung Thứ góp phần mang tới thành công cho các tác phẩm của ông. Tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ được thể hiện qua những màu sắc được xử lý một cách khéo léo và nhẹ nhàng. Là một người yêu âm nhạc, Mai Trung Thứ thường xuyên thể hiện chủ đề này trong các tác phẩm của mình, biến màu sắc thành bản hợp xướng được tạo thành từ các sắc độ của giai điệu. Tác phẩm lưu giữ những bí mật trong tâm hồn người nghệ sĩ, từng chút một trở thành dấu ấn đặc trưng của ông, như sự gắn kết giữa đôi tay và tâm hồn người họa sĩ.
Ở đây, Mai Trung Thứ chia sẻ một khoảnh khắc ấm cúng và thân thiết thông qua bức tranh dành tặng cho người thợ đóng khung tranh của ông vào năm 1941. Bức tranh đã được gìn giữ trong gia đình người thợ cho tới tận bây giờ. Tác phẩm mới đây đã được trưng bày tại bảo tàng Mâcon, tại buổi triển lãm « Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ ». Một tác phẩm mang ý nghĩa cá nhân sâu sắc giúp cho chủ sở hữu nó chạm tới tận sâu thẳm mối liên kết giữa người nghệ sĩ và chất liệu sáng tác. Sự tinh tế của người họa sĩ được thể hiện thông qua những màu sắc nhẹ nhàng huyền ảo – đặc trưng trong các sáng tác của Mai Trung Thứ. Những sắc thái của màu vàng, thổ hoàng, xanh lá và xanh dương là những sắc màu chủ đạo truyền cảm hứng cho ông.
Trái táo luôn là một chủ đề được nhiều họa sĩ khai thác, từ hội họa truyền thống cho đến hội họa đương đại, là cầu nối giữa nghệ thuật và thực tiễn. Là đối tượng quan sát, trái táo trong lịch sử nghệ thuật là một công cụ đào tạo nghệ sĩ đích thực. Trái táo bồi dưỡng cảm quan và tâm hồn của họa sĩ, những người mà xuyên suốt nhiều thế kỷ luôn cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất hoặc một cách ấn tượng những cảm hứng mà nó đem lại. Henri Fantin-Latour, Le Caravage, Picasso, Cézanne, hay thậm chí là Magritte, đều thể hiện loại trái cây này theo cách thức riêng của mình, biến trái táo trở thành một vật phẩm hàng ngày, dưới mọi hình thức, thông qua các tác phẩm hư ảo, tĩnh vật hay các tác phẩm điêu khắc đương đại. Họa sĩ Odilon Redon từng nói « Nghệ thuật hội họa, đối với những họa sĩ thực thụ, tồn tại trong một trái táo, nằm trơ trọi nơi góc bàn. Vẽ một trái táo, không có gì ngu ngốc hơn! Nhưng để biến một thứ tưởng chừng thật đơn giản thành một tác phẩm đẹp đẽ, bức tranh cần phải toàn vẹn, vững chãi, mềm dẻo, phong phú về chất liệu. »1 Ở đây, Mai Trung Thứ mang tới tầm nhìn cá nhân về tranh tĩnh vật, khi phác họa những trái táo bằng nét mực nho trên chất liệu lụa tinh tế. Bức tranh cho chúng ta thấy cái nhìn dịu dàng của họa sĩ về mỹ quan truyền thống. Được đặt trên chiếc mâm bồng bát giác màu vàng sáng, một nửa trái táo giấu đi lưỡi dao sắc bén, hai trái táo khác nằm ở phía sau giúp cân bằng bố cục. Mai Thứ ghi dấu vẻ đẹp tinh khiết của trái cây bằng những đường nét đơn giản. Nhưng những nét vẽ đơn giản không thể che giấu tài năng hội họa của người nghệ sĩ tài ba, khi chỉ cần một con mắt tinh tường cũng nhìn thấy sự chi tiết trong các tác phẩm của ông. Việc tái hiện những hình dáng cơ bản bằng nét vẽ sáng màu và sự kết hợp khéo léo màu sắc và mực trên lụa là những đặc trưng cơ bản trong các tác phẩm của ông. Đường nét được nhấn mạnh bằng mực nho, trong khi các sắc độ được thể hiện một cách nhẹ nhàng và tinh tế, đối lập với màu nền trung tính trong bố cục tranh.
Kể từ thế kỷ thứ 17, vẽ chân dung là một trong những thể loại nghệ thuật cao quý nhất. Để đảm bảo rằng người đặt vẽ tranh có một phong thái ấn tượng nhất, trong nhiều thế kỷ, thể loại tranh chân dung đã có nhiều phát triển, giúp các họa sĩ thỏa sức diễn đạt sự sáng tạo và tài năng của mình. Mai Trung Thứ, một trong những nghệ sĩ trụ cột của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là một họa sĩ xuất sắc ở thể loại tranh này. Hình ảnh chiếc quạt là một ví dụ nổi bật, khi khung cảnh châu Âu gợi lên nghệ thuật vẽ tranh chân dung. Người mẫu được vẽ ở trung tâm bức tranh, trước một khung cảnh thoáng đãng. Nhờ vào bố cục được lựa chọn, mọi sự chú ý đều đặt lên người phụ nữ có cái nhìn dịu dàng này.
Bằng phong cách của một trong những nghệ sĩ vẽ tranh chân dung xuất sắc nhất, Mai Trung Thứ thêm vào một chi tiết : chiếc quạt. Là vật trang trí duy nhất trong tranh, chiếc quạt ghi dấu cho sự tinh tế toát lên từ tác phẩm. Những nét bút mỏng nhẹ khiến gương mặt trở nên ngọt ngào thanh thoát hơn bằng bột màu và mực in
Cử chỉ duyên dáng của đôi tay thiếu nữ như ngưng đọng và chiếc quạt như luôn sẵn sàng mở ra, giấu đi ánh nhìn sâu thẳm.
Bảng màu nhẹ nhàng được tô điểm bới những nét chấm phá màu cam, đóng khung và tôn lên vẻ đẹp của mái tóc đen huyền của thiếu nữ. Sử dụng những quy tắc vẽ chân dung của các họa sĩ phương tây, Mai Trung Thứ đã thành công trong việc thể hiện một thiếu nữ Việt Nam với vẻ đẹp chuẩn mực.
Nguồn: PEINTRES & ARTS DU VIETNAM
ĐỌC THÊM: LÊ THỊ LỰU – NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT ĐẦU TIÊN THEO ĐUỔI SỰ NGHIỆP HỘI HOẠ CHUYÊN NGHIỆP
___________________
Nếu bạn có nhu cầu gửi tặng người thân yêu những món quà ý nghĩa từ Pháp về Việt Nam, hoặc mua hàng tại Pháp gửi về Việt Nam, hãy liên hệ ngay với LYNX International – Gửi hàng Pháp về Việt Nam.
Dịch vụ gửi hàng Pháp về Việt Nam uy tín, tiện lợi, an toàn.
Hotline/Zalo/Viber: +33 659 88 37 93
Messenger: m.me/lynxchuyenhangphap
Email: contact@chuyenhangphap.fr
Website: www.chuyenhangphap.fr