Có gì khác nhau giữa văn hóa cà phê Pháp và Việt Nam?
Ông Emmanuel Pannier, là người nghiên cứu về văn hóa xã hội Việt Nam và từng sống ở Việt Nam hơn 10 năm, ông Pannier cho rằng văn hóa cà phê Paris và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Chẳng hạn, ở cả hai nơi, quán cà phê là chỗ để thư giãn, để “buôn dưa lê” và nói chuyện với bạn bè. Theo ông, ở cả Pháp và Việt Nam, mọi người đi cà phê là để giao lưu, gặp gỡ với bạn bè, người yêu, đối tác làm ăn, để nói chuyện về một vấn đề nào đó hay tâm sự với nhau.
Bàn về cách dùng cà phê, ông Pannier cho biết ở Paris, nhiều người đến quán cà phê vào buổi sáng để uống nhanh trước khi đi làm. Họ thường chỉ uống một loại cà phê là espresso, và có thể họ không ngồi ở bàn mà ngồi ở quầy bar vì như vậy giá rẻ hơn (so với ngồi ở bàn) và lại nhanh hơn.
Sau khi ăn trưa cũng là một thời điểm nhiều người tìm đến quán cà phê, không phải là để “dành thời gian nói chuyện” mà “để cho tỉnh táo” và hết buồn ngủ, ông nói tiếp.Còn ở Hà Nội, theo kinh nghiệm của bản thân, ông thấy mọi người khi đi uống cà phê thường dành nhiều thời gian hơn và ngồi thoải mái. Cà phê phin ở Việt Nam thì chảy từng giọt một, rất chậm còn cà phê ở Paris như espresso thì rất nhanh.
Về cách pha và uống cà phê, ông Pannier quan sát ở Paris, các quán thường có nhiều loại cà phê khác nhau như espresso, cafe allongé, cappuccino v.v. trong khi ở Việt Nam, “chỉ những quán sành điệu đắt tiền mới có những loại này”, còn những quán bình dân phổ biến trên đường thì chỉ có một loại cà phê, không đa dạng như ở Paris.
Cà phê sữa ở Việt Nam được pha với sữa đặc có đường, còn ở Paris luôn luôn phải là sữa tươi, ông cho biết.Ngoài ra, ở Hà Nội có cà phê trứng, mà theo ông là “văn hóa của người Hà Nội mấy thế hệ”. Ở Pháp, người ta không biết đến cà phê trứng và chắc cũng sợ và không dám uống thử. Ông còn nhận xét cà phê ở Việt Nam thường là đậm và đắng hơn cà phê ở Paris rất nhiều, nên nhiều người Pháp không quen với vị đắng đậm này. Đối với ông, cà phê sữa đá là loại ông ưa dùng nhất ở Việt Nam. Ông cũng thích những quán cà phê vỉa hè, ngồi thoải mái ở ngoài đường hơn là những quán trong nhà.
Về văn hóa uống cà phê, ở Paris, quán cà phê không phải chỉ có cà phê mà còn bán có bán thuốc lá, rượu, bia tươi và quán nào cũng có đồ ăn, dù chỉ là sandwich hay ăn nhẹ. Thậm chí quán cà phê có thể kiêm nhà hàng, nơi mọi người có thể ăn trưa, ăn tối, uống rượu bia…Ý nghĩa của quán cà phê là rộng hơn. Còn ở Hà Nội, nhiều quán cà phê chỉ bán cà phê và sinh tố.
Trả lời câu hỏi của khán giả về vệ sinh thực phẩm tại các quán cà phê ở Paris, ông Pannier nói mặc dù cà phê có ghế ngồi ở vỉa hè, nhưng đồ ăn đồ uống được chuẩn bị trong bếp ở bên trong.”Luật vệ sinh ở Pháp rất là chặt chẽ. Ai mở quán cà phê phải đăng ký và có người đến kiểm tra kỹ. Nếu quán không sạch sẽ chắc chắn sẽ không được cấp phép, hay có khi bị phạt nữa. Vì vậy rất dễ để giữ gìn vệ sinh vì người ta có luật và có ý thức.” ông chia sẻ.Đây còn là vấn đề về văn hóa, nếu mở quán cà phê mà không đảm bảo vệ sinh, chủ quán sẽ cảm thấy “cách cư xử của mình là không đúng”.
Nguồn: BBC