Ấn Vàng Của Vua Minh Mạng – “Hoàng đế chi bảo” Vô Giá

Ấn vàng của vua Minh Mạng là một trong những hiện vật có giá trị lịch sử to lớn, vừa rồi đã được đem ra đấu giá tại Pháp, nhưng nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của Việt Nam, cổ vật một lần nữa có thể sẽ được hồi hương. Sau đây cùng LYNX International tìm hiểu một số thông tin liên quan đến Ấn vàng vua Minh Mạng – “Hoàng đế chi bảo” vô giá mà chúng tôi vừa tổng hợp được.

1. Nguồn gốc của ấn vàng vua Minh Mạng

Ngay sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và thành lập nước, hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long đã định ra một số chính sách mới như: đặt quốc hiệu mới là Việt Nam, đặt những nghi thức thiết triều mới, đo đạc lập địa bạ trên phạm vi toàn quốc, một số quy định về trang phục, ấn triện cùng với tiền tệ… mới hoàn toàn so với thời đại trước.

Sang đến đời của nhà vua Minh Mệnh, với bản tính của quân vương có sự năng động, quyết đoán, mặc dù đã được kế thừa sự nghiệp khá vững chắc được xây dựng từ thời vua cha Gia Long, ông vẫn một lòng quyết tâm sử dụng chính sách cải tổ từ bộ máy hành chính cho quan ngạch, quân đội, chế độ khoa cử, sưu thuế khóa, địa giới hành chính trong phạm vi khắp cả nước… Song song với đó nhà vua cho chế tác và hoàn thiện các loại bảo tỷ cùng với ấn triện mới.

Theo như sách sử Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết thời vua Minh Mạng có đến 6 chiếc ấn bảo tỷ làm bằng ngọc, có 6 chiếc ấn tôn tàng bảo tỷ, ngoài ra có 14 ấn bảo tỷ làm bằng vàng, trong đó có ấn quý Hoàng đế chi bảo được đúc thêm ở năm Minh Mạng thứ 4 (1823).

Đề cập đến vấn đề này, sách sử nhà Nguyễn đó là Đại Nam thực lục đã chép rằng: “Ngày tốt Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (nuốm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng và 2 phân)”.

Ấn Vàng Của Vua Minh Mạng là một hiện vật có giá trị lịch sử to lớn (Nguồn internet)
Ấn “hoàng đế chi bảo” là một hiện vật có giá trị lịch sử to lớn (Nguồn internet)

2. Vì sao ấn vàng của Vua Minh Mạng thất lạc sang đất Pháp?

Vào chiều 30/8/1945, sau khi đã tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao ấn Hoàng đế chi bảo, được chọn trong tổng số 200 ấn triện các loại được lưu giữ tại điện Cần Chánh cũng như Ngự tiền văn phòng, cùng với thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (1916-1925) trao lại, cho chính quyền cách mạng tại khu vực Ngọ Môn.

Nhà sử học Trần Huy Liệu đã tiến hành tiếp nhận bộ ấn kiếm, chuyển về Hà Nội trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Vào tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm lại Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà tại làng Nghĩa Đô – vốn là một xưởng in tiền của Việt Minh. Ngôi nhà đã bị phá hủy vào năm 1947. Ngày 28/2/1952 có một tiểu đoàn của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng nhà để thu gom gạch vỡ, đã phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm.

Cùng năm, Pháp đã tiến hành trao trả hai hiện vật cho cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào ngày 8/3/1952, được tạp chí Paris Match của Pháp ghi chép lại. Khi đó cựu hoàng Bảo Đại đang ở Pháp, Đoan Huy hoàng thái hậu cùng với bà Mộng Điệp – thứ phi của cựu hoàng đã thay mặt ông tiếp nhận bộ ấn kiếm.

Năm 1953, do tình hình chiến tranh phức tạp, Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang theo hai hiện vật cùng một số tư trang, giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long mang đi cất giữ.

Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương đã qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi ở trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu).

Năm 1972, cựu hoàng đã kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi ông qua đời vào tháng 8/1997, đã để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn hoàng đế chi bảo cho vợ. Bà Monique Baudot đã qua đời vào năm 2021, đến nay những người được hưởng thừa kế tài sản của bà đã mang đi đấu giá.

Buổi lễ trao Ấn "hoàng đề chi bảo" cho đại diện cựu hoàng Bảo Đại
Buổi lễ trao Ấn “hoàng đế chi bảo” cho đại diện cựu hoàng Bảo Đại

3. Ấn vàng của Vua Minh Mạng được người Việt đấu giá thành công như thế nào?

Người Việt Nam đã thương lượng mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đó là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Thế Hồng là người đã chủ động tìm hiểu để nắm được các thông tin về chiếc ấn vàng quý hiếm “Hoàng đế chi bảo” khi Nhà đấu giá Millon (Pháp) bắt đầu đưa ra thông tin sơ bộ về việc đấu giá cổ vật này.

Ông Hồng cũng là người bỏ ra toàn bộ các chi phí liên quan để Nhà đấu giá Millon tiến hành hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng và mua trực tiếp. Việc thương lượng mua thành công cổ vật “Hoàng đế chi bảo” để đưa bảo vật hồi hương còn nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL.

Sau đó, thông qua thương lượng và trực tiếp, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” với giá lên tới hơn 6,1 triệu euro.

Ông Nguyễn Thế Hồng là người Việt Nam đã đấu giá thành công ấn "hoàng đề chi bảo"
Ông Nguyễn Thế Hồng là người Việt Nam đã đấu giá thành công ấn “hoàng đế chi bảo”

4. Giá trị của nguồn lực hóa xã hội trong việc hồi hương cổ vật.

Xã hội hóa trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là những lời kêu gọi, vận động xã hội đóng góp các nguồn kinh phí trong việc trùng tu, tôn tạo di tích hoặc mua cổ vật, bảo vật làm đồ “biếu tặng cho bảo tàng nhà nước”.

Quan trọng hơn đó là cần phải có ngay cơ chế chính sách cho tư nhân và tổ chức xã hội có thể tham gia các nguồn lực vào công việc này, bao gồm nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, tri thức cũng như uy tín cá nhân…

Nguồn “vốn xã hội” này cùng với bộ máy quản lý, chuyên gia sâu sát của ngành văn hóa sẽ giúp cho vấn đề quản lý di sản có hiệu quả hơn: từ xác định nguồn gốc cổ vật, xuất xứ cổ vật, giám định về chất lượng, định giá theo thị trường hay là “giá sàn” để đưa ra hình thức đấu giá trong và ngoài nước, hay những trường hợp tham gia đấu giá ở nước ngoài còn liên quan đến vấn đề pháp lý… nâng cao tính minh bạch cũng như là khoa học.

Đồng thời giảm thiểu việc để xảy ra mất mát cổ vật tại các di tích, ngăn ngừa các hiện tượng “chảy máu cổ vật” ra nước ngoài.

Cổ vật, bảo vật đang được lưu giữ ở bảo tàng công cộng hay bảo tàng, sưu tập tư nhân đều có những giá trị như nhau. Việc phát huy giá trị của chúng đối với cộng đồng sẽ tùy thuộc vào hoạt động nghiên cứu, trưng bày giới thiệu như thế nào và bằng cách nào.

Khi tính chất “hợp pháp” của cổ vật càng rõ ràng thì công chúng càng dễ dàng hơn trong tiếp cận và thụ hưởng những giá trị của những di sản văn hóa. Từ đó góp phần nâng cao về ý thức, trở thành động lực để xã hội tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ cổ vật, di sản văn hóa.

Hy vọng sắp tới đây Luật di sản văn hóa sẽ được cập nhật và bổ sung các điều khoản cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc lập nên quỹ di sản công lập và ngoài công lập, các điều khoản hướng dẫn để thực hiện việc “hồi hương” cổ vật Việt Nam ở nước ngoài.

Ấn vàng của vua Minh Mạng – “Hoàng đế chi bảo” vô giá đã được đấu giá thành công và đó cũng là tín hiệu rất đáng mừng cho giới khảo cổ, các ngành chức năng và nhân dân trong nước.

Bài viết phổ biến

Danh mục

Thẻ

Mạng xã hội