Danh Họa Tô Ngọc Vân Với Tranh Sơn Dầu
Danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954) là một trong những “tứ kiệt” của hội họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông vừa là người đã có công mở đường, vừa là người đặt nền móng đầu tiên và góp nhiều công xây dựng những tiền đề vẻ vang của hội họa hiện đại Việt Nam trong thế kỷ 20. Sau đây mời các bạn cùng LYNX International tìm hiểu thêm về danh họa Tô Ngọc Vân với tranh sơn dầu để có thể hiểu thêm về nghệ thuật hội họa Việt Nam.
1. Tiểu sử danh họa Tô Ngọc Vân
Họa sỹ Tô Ngọc Vân sinh vào ngày 15 tháng 12 năm 1906, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội. Cha của họa sỹ là Tô Văn Phú và mẹ là Nguyễn Thị Nhớn. Gia đình nội của ông thuộc tiểu tư sản thành thị, trong khi gia đình ngoại nghèo của ông xuất thân từ các nhà Nho sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ.
Xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo nên ông phải đi làm từ khi còn nhỏ. Từ năm sáu tuổi trở đi, vì hoàn cảnh gia đình ông phải đi ở nhờ nhà bà ngoại và dì. Sống với dì tuổi thơ của ông trải qua đầy thiệt thòi, ông chỉ được phép gặp bố mẹ một vài lần trong năm.
Sau khi hoàn thành xong năm thứ 3 tại trường THCS Bưởi, ông nghỉ học và bắt đầu vẽ tranh để chuẩn bị thi vào trường mỹ thuật Đông Dương. Sau vài tháng đào tạo trong lớp dự bị, ông đã thi đỗ vào trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vào khóa văn bằng thứ hai từ năm 1926 cho đến năm 1931. Ông đã đạt được số điểm cao nhất trong lớp cho kỳ thi cuối cùng của mình.
Vào ngày 17/6/1954, ông đã anh dũng hy sinh tại Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô lịch sử trong lúc hoạt động nghệ thuật, sự nghiệp của ông đang phát triển mạnh mẽ.
2. Phong cách vẽ tranh của họa sỹ Tô Ngọc Vân
Trước thời kỳ cách mạng tháng 8-1945, chủ đề chính được khai thác trong những bức tranh sơn dầu của cố hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đó chính là vẻ đẹp dịu dàng mềm mại của những người thiếu nữ Việt Nam, đặc biệt là các thiếu nữ thành thị. Nhờ mang một tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, thế giới quan sinh động cùng với trình độ học thuật uyên bác đã khiến những bức tranh của hoạ sĩ đã chạm đến trái tim biết bao người thưởng thức.
Những bức tranh thể hiện không chỉ mang vẻ đẹp bên ngoài mà còn lột tả được nội tâm sâu sắc của nhân vật. Những bức tranh nổi bật của ông thời kỳ này đó là: Thiếu nữ bên hoa huệ, thiếu nữ bên hoa sen, hai thiếu nữ và em bé, thuyền sông Hương, buổi Trưa, bên hoa… Toàn bộ các tác phẩm này của cố họa sỹ đều vẽ bằng tranh sơn dầu, thể hiện được vẻ đẹp, sự thanh lịch, nhẹ nhàng của những người phụ nữ xưa. Những bức tranh này cũng được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật giá trị nhất trong suốt sự nghiệp của tác giả.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 các tác phẩm nghệ thuật của cố hoạ sĩ cũng có sự thay đổi theo yêu cầu của đất nước. Ông đã dùng ngòi bút phác họa nên cuộc sống, con người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Trong những tác phẩm của ông chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, mạnh mẽ vùng đứng lên trong khói lửa chiến tranh hay hình ảnh của người lính chiến sĩ Việt Minh tham gia chiến đấu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong những đề tài vẽ thành công trong các bức tranh của Tô Ngọc Vân. Từ những bức tranh của họa sỹ chúng ta có thể thấy rõ được tình cảnh của đất nước, sự mạnh mẽ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay cả sự gắn bó, đoàn kết của cả dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi bức tranh của ông không chỉ dừng lại là những tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là vũ khí đấu tranh, cổ vũ và ca ngợi tinh thần chiến đấu của cả một dân tộc.
3. Tranh sơn dầu, đặc trưng trong phong cách vẽ tranh Tô Ngọc Vân
Ngay từ những năm học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã sớm tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng những kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Tốt nghiệp xuất sắc khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lĩnh hội đầy đủ kiến thức hội họa châu Âu do các thầy Pháp truyền đạt, nhưng Tô Ngọc Vân đã sớm có ý thức tiếp thu những tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình theo kiểu truyền thống phương Đông và có rất nhiều ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sỹ hậu sinh. Về kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, cố họa sỹ Tô Ngọc Vân đã đạt đến trình độ bậc thầy thượng thừa.
Năm 1931 đến 1932, ông đã gửi tranh sơn dầu tham gia Triển lãm Mỹ thuật tại Paris, Pháp và được tặng thưởng Huy chương Vàng cho tuyệt phẩm tranh sơn dầu “Bức thư”. Cũng vào năm 1932, ông được cấp bằng danh dự của Phòng triển lãm họa sĩ Pháp và được bầu chọn là hội viên của Hội họa sĩ Pháp. Từ năm 1935 đến năm 1939, ông được cử đi dạy lớp họa tại trường Sisowath ở Phnom Penh, Campuchia.
Có thể nói, giai đoạn từ 1940 đến 1944 là giai đoạn ông sáng tác nhiều tranh sơn dầu về thiếu nữ ( “Thiếu nữ nằm bên hoa sen,” “Thiếu nữ ngồi,” “Thiếu nữ tựa kỷ”).
Cách mạng tháng 8 thành công, Tô Ngọc Vân cũng đã chuyển biến về tư tưởng, nhìn thấy con đường đi đúng đắn nhất cho một hoạ sỹ tài năng. Nhiều tác phẩm tranh sơn dầu của cố họa sỹ đến nay vẫn được đánh giá là một trong những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam. Qua những thử nghiệm đầu tay, những tác phẩm của ông đã sớm lộ ra tính cách của nhà họa sĩ duy sắc: ưa thích về thể chất đẹp, say sưa với nghệ thuật ánh sáng, với những đường nét phong phú của màu sắc biến hóa nồng nàn.
Sau đó, ông đã trở thành một Nghệ sỹ Cách mạng thực thụ, một Nghệ sỹ Nhân dân với đúng theo nghĩa của nó. Các tác phẩm sơn dầu trong giai đoạn mới này đã báo hiệu sự chuyển biến tư tưởng bước đầu của ông, đề tài và cả đối tượng như: với những tiết tấu năng động, rộn ràng, chiều hướng đi vào khắc họa nên tính cách nhân vật…
4. Một số bức tranh nổi tiếng
Các tác phẩm hội họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân được chia thành 2 giai đoạn chính đó là từ trước 1945 và sau 1945. Tất cả những tác phẩm của ông đều gây được tiếng vang lớn trong nền hội họa Việt Nam.
Từ trước năm 1945 các tác phẩm của cố họa sỹ chủ yếu tập trung đi sâu vào hình ảnh những người phụ nữ và hầu hết đó là tranh sơn dầu. Một số bức tranh tiêu biểu nổi tiếng nhất như: Tranh thiếu nữ bên hoa sen (1944), tranh thiếu nữ bên hoa huệ (1943), tranh hai thiếu nữ và em bé (1944), tranh thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), bức buổi trưa (1936) hay bức Bên hoa (1942).
Với kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” được coi là tác phẩm nổi tiếng làm nổi bật nên sự nghiệp lẫy lừng của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức họa đã gây được tiếng vang lớn không chỉ trong và ngoài nước. Bức tranh đã mô tả về một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu rất duyên dáng bên lọ hoa huệ trắng tinh khôi. Hình ảnh rất dịu dàng của cô gái cùng với những chi tiết nhẹ nhàng và màu sắc xung quanh đã tạo nên một vẻ đẹp vô cùng giản dị của người thiếu nữ.
Vào sau những năm 1945 các tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân không chỉ là tranh sơn dầu mà còn có thể loại tranh sơn mài, kí họa màu nước hoặc màu nước. Các tác phẩm tiêu biểu nhất thời kỳ này có thể kể đến: Bức Hồ Chủ Tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946), Bức nghỉ đêm bên đồi (1948), Bức con trâu quả thực (1954), Bức hai chiến sĩ (1949) hay bức nghỉ chân bên đồi ( 1948).
Vì vậy có thể khẳng định rằng cố họa sỹ Tô Ngọc Vân vừa là người mở đường, vừa là người đặt nền móng đầu tiên và góp nhiều công xây dựng tiền đồ vẻ vang của nền hội họa hiện đại Việt Nam thế kỷ 20. Một người họa sỹ, nghệ sỹ chân chính đã hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng và nghệ thuật của nước nhà.